KỸ THUẬT TRỒNG BÍ THƠM BA BỂ THEO PHƯƠNG PHÁP HỮU CƠ

Bí thơm Ba Bể là loại rau ăn quả bản địa của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Loại cây này đã được người dân trên địa bàn huyện gây trồng và sử dụng từ rất lâu đời. Đây là loại cây ngắn ngày, sau 3 – 4 tháng trồng là cho thu hoạch, dễ trồng, dễ chăm sóc. Bí khi thu hoạch có trọng lượng trung bình từ 2 – 3 kg/quả, quả sau thu hoạch có thể bảo quản được trong vòng 4 tháng ở điều kiện thông thường.

Khác với các loại bí xanh thông thường được bán trên thị trường, cả thân, lá, hoa và quả của loại bí này đều có mùi thơm; đặc biệt, quả khi chế biến có mùi thơm như mùi gạo nếp, vị đậm, thịt dẻo có thể dùng chế biến món ăn hoặc đồ uống tốt cho sức khỏe. Với những ưu điểm trên, trong một số năm gần đây, bí thơm Ba Bể ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và trở thành sản phẩm hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

Trên địa bàn huyện Ba Bể, diện tích bí Thơm đang dần được người dân quan tâm mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm có chất lượng, an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng đồng thời góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, việc gây trồng bí thơm theo phương pháp hữu cơ đang là hướng đi được người sản xuất tại Ba Bể quan tâm phát triển.

Sau đây xin giới thiệu với bà con kỹ thuật gây trồng bí Thơm theo phương pháp hữu cơ đang được áp dụng có hiệu quả trên địa bàn huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

1. Thời vụ:

Có thể trồng 2 vụ trong năm:

– Vụ Đông Xuân: gieo trồng từ 25/1- 25/2 Dương Lịch, thu hoạch vào cuối tháng 6 đầu tháng 7.

– Vụ Hè Thu: gieo trồng từ 25/6-25/7, thu hoạch quả từ tháng 10.

Trên địa bàn huyện Ba Bể, thời vụ chính là vụ Đông Xuân

2. Làm đất, lên luống:

Bí thơm thích hợp trồng trên đất ruộng soi bãi, đất có tầng đất dày, tơi xốp, dễ thoát nước.

Trong canh tác hữu cơ, khi lựa chọn địa điểm canh tác, đất trồng phải được lấy mẫu phân tích đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn của sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

– Làm đất: Tiến hành cày bừa toàn bộ diện tích trồng, thu dọn sạch cỏ dại, tàn dư thực vật. Bón lót phân chuồng hoai mục với liều lượng 15 – 20 tấn/ha hoặc phân hữu cơ vi sinh 4-5 tấn/ha. Vôi bột: 8 – 10 tạ/ha; phân lân nung chảy Văn Điển: 400 – 450kg/ha. Bón lót trước khi trồng 7 – 10 ngày.

– Lên luống: Lên luốngcao 25-30cm; rộng 2m nếu trồng hàng đơn, rộng 5m nếu trồng hàng đôi. Khoảng cách luống 0,7-1m.

– Làm giàn: Giàn được làm từ các loại tre trúc sẵn có tại địa phương, nên lựa chọn các loại tre có kích thước lớn; làm giàn bằng, giàn cao từ 1,2-1,5m để thuận tiện cho chăm sóc và thu hái. Ở mỗi gốc cần cắm trà hoặc cây để cho ngọn bí leo lên giàn.

3. Chọn giống:

Để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, bà con chú ý chọn quả ở trên các cây đầu dòng sinh trưởng tốt, không sâu bệnh để làm giống. Khi chọn quả để giống, nên chọn quả ra đầu tiên ở trên dây và ở vị trí riêng biệt không bị xen lẫn với các dây và hoa của các giống bầu bí khác cùng họ để tránh trường hợp thụ phấn chéo. Chọn những quả có mẫu mã đẹp, phát triển cân đối, tiến hành đánh dấu quả làm giống và để quả già trên cây đến khi dây héo mới thu hoạch.

Thu quả về bảo quản ở nơi khô ráo, cao, thoáng, trước khi gieo trồng tiến hành bổ quả để tách lấy hạt.

4. Gieo hạt:

Gieo ươm hạt trước khi trồng khoảng 1 tháng.

– Xử lý hạt giống: Bổ quả tách lấy hạt, rửa sạch. Ngâm hạt trong nước sạch 4-6 giờ, rửa sạch nước chua, ủ hạt trong vải xô khoảng 1-2 ngày, hàng ngày dấp nước 2 lần đến khi hạt nứt nanh thì đem gieo.

Khi hạt nứt nanh, có thể đem gieo trên luống, hoặc gieo vào bầu đất đến khi cây có 3-4 lá thật thì đem trồng.

Lượng giống cần gieo: từ 7000 – 10000 hạt/1 ha.

5. Mật độ, khoảng cách trồng:

Luống đơn, trồng cây vào giữa luống. Luống đôi trồng 2 hàng so le nhau, cách mép luống 1m.  Khoảng cách cây cách cây 1,5-2m, hàng cách hàng 3m. Mật độ từ 1650-2200 gốc/ha.

Khi trồng, dùng cuốc tạo 1 hố nhỏ trên mặt luống, đặt cây thẳng vào chính giữa hố, lấp đất ngang miệng bầu hoặc cổ rễ, dùng tay nén nhẹ cho cây đứng vững. Dùng 2 thanh tre mỏng dài 50cm, cắm uốn thành vòm khung theo hình gọng vó và dùng vải màn phủ kín cho cây vừa trồng để tránh sâu, chuột phá hại. Tưới nước đủ ẩm cho cây sau trồng.

6. Chăm sóc: 

– Tưới nước: Nước dùng để tưới cho canh tác hữu cơ phải được phân tích kiểm nghiệm để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn trong NNHC. Ở giai đoạn đầu sau trồng cần tưới nhẹ thường xuyên định kì 1-2 ngày/lần cho cây mau bén rễ hồi xanh, đảm bảo đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển tốt.

Thời kì ra hoa kết quả, cây cần nhiều nước, cần tưới đủ nước cho cây sinh trưởng phát triển bình thường. Có thể tháo nước vào rãnh bằng 1/2- 1/3 chiều cao của luống, ngâm qua đêm và rút cạn vào sáng hôm sau.

Nếu bị mưa ngập cần tháo hết nước ngay không để cây bị ngập úng.

– Làm cỏ, vun gốc: Từ sau khi trồng đến trước khi cây leo giàn, cần tiến hành làm cỏ, xáo xới và vun gốc cho cây.

– Bón phân: Tùy theo điều kiện của các hộ gia đình, và tình hình sinh trưởng của cây, có thể bón thúc theo 2 giai đoạn sau:

Bón thúc lần 1: Khi cây bắt đầu ngả ngọn bò hoặc lúc bắt đầu leo lên giàn (sau khi mọc 30-35 ngày).

Bón thúc lần 2: sau khi cây đậu quả rộ ( sau đợt 1: 15-25 ngày).

Loại phân bón: Sử dụng Phân nở hữu cơ Hà Lan FERTIPLUS 65 OM, với liều lượng 250-300kg/ha/lần bón.  Nên bón giữa luống, cách gốc 20cm.

Ngoài ra, bà con có thể tận dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương như đậu tương, bột ngô  hoặc cá ngâm ủ để bón nhằm bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây trồng.

Tỉa lá, quả: Khi bí có 8-10 lá, cần tỉa bỏ lá già, lá bị sâu bệnh ở sát gốc. Tỉa bỏ những nhánh gốc, nhánh nhỏ hoặc nhánh bị sâu bệnh. Điều chỉnh nhánh cho phân bố đều trên giàn. Khi cây ra hoa, kết quả, cần kiểm tra thường xuyên và tỉa bỏ những quả bị dị dạng, sâu bệnh.

7. Phòng trừ sâu, bệnh hại:

Trong quá trình chăm sóc, bí thơm thường ít bị sâu bệnh, một số loại sâu bệnh có thể gặp là sâu xanh, rệp, sâu vẽ bùa.

Một số biện pháp phòng trừ có thể áp dụng bao gồm:

  • Biện pháp canh tác, thủ công

Ngâm nước ngập luống khoảng 10 ngày để hạn chế bọ nhảy, sâu bệnh trong đất.

Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ hoai mục.

Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học EMINA, BIOEM, EM,… để ủ.

Tạo môi trường thuận lợi cho thiên địch phát triển, trồng cây dẫn dụ, xua đuổi côn trùng gây hại như: hoa cúc, hướng dương, linh lăng, húng, bạc hà, hành, tỏi, xả, gừng,…trồng xen vào các đầu luống hoặc xung quanh ruộng.

Sử dụng các loại bẫy, bả chua ngọt, bẫy dính để trừ sâu trưởng thành.

Sử dụng dung dịch thảo mộc gừng, tỏi, ớt phun định kỳ 1 tuần/lần từ sau khi trồng đến khi kết thúc chu kì kinh doanh. Liều lượng 1 lần phun: pha 1 lít dung dịch với 400 lít nước phun cho 1 ha, tiến hành phun đều trên toàn bộ diện tích ruộng trồng theo hình thức tưới phun sương.

– Biện pháp sử dụng thuốc BVTV: Nên sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc có thời gian cách ly ngắn khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao, không thể khống chế bằng biện pháp thủ công, cụ thể: mật độ sâu tơ giai đoạn cây con: >20 con/m2, giai đoạn cây lớn: >30 con/m2; sâu xanh bướm trắng: > 6 con/m2, rệp > 30% số cây.

Bọ nhảy, rệp: Xử lý bằng các hoạt chất như Matrine (Sokupi 0.36AS, Sakumec 0.36EC, 0.5EC,…..).

       Sâu xanh bướm trắng, sâu khoang, sâu tơ: xử lý bằng các hoạt chất Bacillus thuringiensis (Delfin WG, An huy WP, Biocin 16 WP, 8000 SC, Comazol WP), Matrine (Sokupi 0.36AS, Agri-one 1SL, Aphophis 5EC, 10EC), Rotenone (Newfatoc 50WP, 50SL, 75WP, 75SL,…), Polyphenol chiết xuất từ Bồ kết, Hy thiêm, Đơn buốt, Cúc liên chi dại (Anisaf SH-01 2SL).

Lưu ý: Sử dụng theo liều lượng như khuyến cáo và đảm bảo đủ thời gian cách ly đối với từng loại thuốc theo hướng dẫn trên nhãn thuốc của nhà sản xuất

8. Thu hoạch:

Thu hoạch khi quả đã già, lớp vỏ bên ngoài có phấn trắng.

 Trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, tránh làm xây xát, và dập quả.

Quả sau khi thu hoạch có thể xếp lên các giá, kệ gỗ hoặc kệ tre, để nơi sạch sẽ, thoáng mát để bảo quản.

Hoàng Thị Minh Huệ, Trần Thị Thanh Bình

 Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Trường Đại học Lâm nghiệp

Ma Thị Ninh

 Giám đốc HTX Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

gọi ngay